Giảm tác động của thay đổi chính sách giáo dục vùng cao

Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 433/QĐ-UBDT của Ủy ban dân tộc, tỉnh Yên Bái có 137 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số miền núi (trong đó: 59 xã khu vực III; 11 xã khu vực II và 67 xã khu vực I), 55 thôn đặc biệt khó khăn. So với Quyết định số 582/QĐ-TTg, toàn tỉnh giảm 22 xã khu vực III, giảm 57 xã khu vực II, tăng 36 xã khu vực I; giảm 122 thôn đặc biệt khó khăn khu vực I, II. Việc giảm số xã thuộc khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn có tác động không nhỏ đến việc thực hiện các chính sách đối với các trường học, người dạy, người học thuộc vùng dân tộc thiểu số miền núi. Trước những tác động của thay đổi chính sách giáo dục vùng cao, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái đã có nhiều giải pháp giảm tác động của Quyết định 861 và 433.

Những tác động trực tiếp

Hai đối tượng của ngành GD&ĐT bị tác động bởi Quyết định 861 và Quyết định 433 là giáo viên và học sinh vùng khó. Theo đó, sẽ làm giảm số CBQL, GV một số chế độ chính sách như: Chế độ phụ cấp đối với giáo viên trường PTDTBT, phụ cấp đối với CBQL, GV công tác tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Chính sách đối với giáo viên  dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt; chính sách đối với nhân viên nấu ăn tại trường mầm non có học sinh hưởng chính sách theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP. Điều này sẽ tác động đến tư tưởng của giáo viên khi không còn được hưởng chính sách. Vấn đề đáng lo ngại nhất vẫn là những tác động đến việc thực hiện chính sách của học sinh. Một trong những tác động mạnh mẽ là đối với học sinh hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trong năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh sẽ giảm 1 trường PTDTBT, giảm 22 trường phổ thông có học sinh bán trú hưởng chính sách; dự kiến giảm 2.271 học sinh hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP; giảm 11.314  học sinh hưởng chính sách miễn giảm học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP; giảm 3.684 trẻ mẫu giáo hưởng chính sách hỗ trợ ăn trưa theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP. Học sinh không được hưởng chính sách dẫn đến việc huy động học sinh ra lớp khó khăn, tăng nguy cơ học sinh bỏ học và giảm tỷ lệ chuyên cần trên lớp, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, đặc biệt là đối với những học sinh nhà quá xa trường, không thể đi về trong ngày, cha mẹ học sinh không có điều kiện đưa đón con hàng ngày. Nhất là những học sinh người dân tộc thiểu số sinh sống tại những thôn bản cách xa trường, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là những ngày mưa, gió rét; có học sinh phải đi qua khe suối không có cầu, qua vùng sạt lở nguy hiểm, mùa lũ nhiều ngày không thể đến trường. Những em này sẽ phải tự lo chỗ ở trọ, không có người chăm sóc, quản lý, tiềm ẩn những rủi ro trong cuộc sống tự lập hàng ngày. Nhà trường sẽ gặp khó khăn trong việc theo dõi, quản lý những đối tượng học sinh trên. Nhiều học sinh người dân tộc thiểu số gặp khó khăn khi không được hưởng chính sách giảm học phí, các trường sẽ khó hoặc không thể thu được tiền học phí của những học sinh người dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn (nhưng không phải hộ nghèo, cận nghèo). Đối với trẻ mẫu giáo khi không còn được hưởng chính sách hỗ trợ ăn trưa sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, do tỷ lệ chuyên cần và tỷ lệ trẻ được nấu ăn tại trường giảm, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng tăng do chất lượng bữa ăn của trẻ  không đảm bảo (trẻ phải mang cơm cặp lồng đến lớp). Bên cạnh đó, các trường phổ thông dân tộc nội trú bị thu hẹp nguồn tuyển sinh, riêng trường PTDTNT huyện Trấn Yên chỉ còn nguồn tuyển sinh tại 4 thôn thuộc 2 xã (Hồng Ca, Lương Thịnh). Theo đó, tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường PTDTNT sẽ giảm, không đảm bảo 10% theo mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 22 của Tỉnh ủy.

Những giải pháp kịp thời

Trước những khó khăn đó, ngành GD&ĐT tỉnh xác định nhiều giải pháp kịp thời, trước mắt giải quyết những khó khăn ban đầu. Trong đó, tập trung động viên giáo viên khắc phục khó khăn, tâm huyết, trách nhiệm vì học sinh. Đồng thời, phối hợp cùng Công đoàn ngành tổ chức vận động đoàn viên, người lao động trong toàn ngành ủng hộ sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh vùng cao, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong đó, vận động mỗi thầy cô giáo trong ngành ủng hộ tối thiểu 1 bộ sách giáo khoa hoặc 100.000 đồng. Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT đã và sẽ huy động các nguồn tài trợ, ủng hộ để góp phần giảm bớt khó khăn cho học sinh khi các em không còn được hưởng chính sách nhưng gia đình còn khó khăn về kinh tế. Ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 2473/UBND-VX ngày 29/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai các giải pháp thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 433/QĐ-UBDT đảm bảo mục tiêu phát triển giáo dục, trong đó phân công cụ thể nhiệm vụ cho UBND các huyện, thị xã, thành phố; phân công nhiệm vụ cho các Sở ngành, các cơ quan thông tấn báo chí triển khai các giải pháp tích cực để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách. Ông Đào Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Ngành  tập trung làm tốt công tác  tuyên truyền, vận động, huy động học sinh ra lớp; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho học sinh. Giải pháp trước mắt và kịp thời ngay lúc này đó là phát động phong trào tương thân tương ái trong toàn ngành, nhằm giúp đỡ học sinh vùng dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2025, với phương châm “trường hỗ trợ trường; lớp hỗ trợ lớp; học sinh ở vùng có điều kiện thuận lợi giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vùng dân tộc thiểu số”; vận động các thầy cô giáo trong ngành ủng hộ sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn”.  Ngành cũng đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát các trường không còn đủ điều kiện là trường phổ thông dân tộc bán trú, trường không còn học sinh bán trú, xây dựng kế hoạch sử dụng cơ sở vật chất của các trường đảm bảo thiết thực, hiệu quả; rà soát các đối tượng không được hưởng chính sách, chế độ do các xã, thôn đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg để tuyên truyền, vận động các nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện chi trả kịp thời chế độ trợ cấp 1 lần cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động  theo Điều 8, Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 của Chính phủ; đề xuất các giải pháp đối với công tác tuyển sinh và xây dựng kế hoạch phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú huyện.

Với những giải pháp trên, chắc chắn sẽ tháo gỡ được những khó khăn trong quá trình thực hiện các chính sách đối với nhà giáo và học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bài viết liên quan